Trang chủ Nội tiết Suy thận nên ăn gì? TOP thực phẩm nên và không nên...

Suy thận nên ăn gì? TOP thực phẩm nên và không nên ăn cho người bị thận yếu

466

Tỷ lệ suy thận Khi chức năng thận không được đảm bảo sẽ ảnh hưởng đến sự hoạt động của tất cả các cơ quan khác và kết quả cuối cùng có thể dẫn đến tử vong. Bên cạnh việc điều trị thuốc thì điều chỉnh chế độ ăn là một phần không thể thiếu trong điều trị suy thận. Cùng tìm hiểu người bệnh suy thận nên ăn gì và không nên ăn gì từ đó giảm thiểu nguy cơ có các biến chứng của suy thận hạn chế tử vong.

Tổng quan về suy thận

Thận là cơ quan quan trọng của cơ thể đảm nhận chức năng lọc máu, tái hấp thu các chất cần thiết (protein, glucose, kali, natri, canxi,…) và bài tiết các chất độc (ure, ion H+,…) ra khỏi cơ thể. Ngoài ra thận còn có chức năng tiết ra các hormon có vai trò điều hòa huyết áp.

Khi chức năng thận suy giảm có thể dẫn đến rối loạn các quá trình lọc máu và các quá trình bài tiết chất thải ra khỏi cơ thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh. Nhiều trường hợp người bệnh không có biểu hiện gì cho tới khi bệnh đã tiến triển sang giai đoạn cuối.

Suy thận được chia thành 2 nhóm là suy thận cấp tính và suy thận mạn tính:

  • Suy thận cấp là tình trạng giảm chức năng thận đột ngột và kéo dài trong vài giờ hoặc vài ngày, tình trạng người bị bệnh có thể rất trầm trọng nhưng có thể điều trị khỏi hoàn toàn nếu được được điều trị sớm và đúng cách.
  • Suy thận mạn là suy giảm chức năng thận một cách từ từ và không thể hồi phục theo thời gian do tổn thương không hồi phục về số lượng và chức năng của các tiểu cầu thận.
Cấu trúc giải phẫu thận
Cấu trúc giải phẫu thận

Các nguyên nhân gây suy thận chủ yếu bắt nguồn từ các bệnh lý tại thận như hội chứng thận hư, thận bẩm sinh, nhiễm trùng đường niệu, bệnh mạch máu thận,… và một số bệnh lý khác có liên quan như đái tháo đường, lupus ban đỏ hệ thống.

Tại các nước phát triển đái tháo đường là nguyên nhân chủ yếu gây suy thận mạn còn tại các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam thì nguyên nhân hàng đầu gây suy thận mạn là viêm cầu thận mạn.

Thận mạn tính nếu như không được điều trị kịp thời có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm tại các cơ quan: tim, phổi, mạch máu,…và ảnh hưởng đến các quá trình chuyển hóa trong cơ thể.

Tùy thuộc vào từng mức độ bệnh lý sẽ có phác đồ điều trị bằng thuốc phù hợp. Đối với suy thận giai đoạn cuối bắt buộc phải điều trị bằng phương pháp chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận.

Chính vì thế, để hạn chế các biến chứng và làm chậm quá trình tiến triển đến suy thận giai đoạn cuối, người bệnh cần chú ý thăm khám định kỳ, tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ và xây dựng chế độ ăn một cách chặt chẽ và khoa học.

Vai trò của chế độ ăn với người bị suy thận

Chế độ ăn đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với người bệnh bị suy thận. Đặc biệt trong những trường hợp suy thận mạn, nếu có chế độ ăn khoa học, hợp lý sẽ có tác dụng kiểm soát bệnh tốt hơn. Khi xây dựng chế độ dinh dưỡng cho người bệnh suy thận cần chú ý:

Chế độ ăn giảm protein (đạm)

Chế độ ăn ít đạm sẽ làm giảm gánh nặng đào thải các chất độc cho thận và làm chậm quá trình xơ hóa của cầu thận giúp hạn chế được sự gia tăng ure máu, làm giảm nhẹ hội chứng ure máu cao và làm giảm quá trình tiến triển của suy thận mạn. 

Người bị bệnh suy thận nên sử dụng các loại đạm có giá trị sinh học cao, đủ các acid amin thiết yếu và tỷ lệ hấp thu cao vừa đảm bảo dinh dưỡng vừa làm giảm các chất độc được thải ra tránh các tác động có hại đến chức năng thận. 

Tùy theo giai đoạn bệnh thận mạn mà lượng protein trong khẩu phần ăn là khác nhau. Người bị bệnh suy thận càng nặng thì lượng đạm trong khẩu phần ăn càng phải giảm. Lượng đạm trong khẩu phần ăn của người bị bệnh có mức lọc cầu thận dưới 25ml/phút nên duy trì khoảng 0,6 – 0,75g/kg/ngày để tránh tình trạng suy dinh dưỡng.

Chế độ ăn giảm đạm cho người suy thận
Chế độ ăn giảm đạm cho người suy thận

Giàu năng lượng, đảm bảo đủ nhu cầu dinh dưỡng

Người bị bệnh thận mạn vừa có nguy cơ mất các chất do thận tái hấp thu kém vừa phải thực hiện chế độ ăn giảm đạm, do đó người bệnh cần ăn thức ăn giàu năng lượng để thay thế các chất trên, nếu không cung cấp đủ năng lượng người bệnh rất dễ bị suy dinh dưỡng. Cần cung cấp đủ năng lượng từ 30 – 35 kcal/kg/ngày. 

Thức ăn cung cấp năng lượng nên sử dụng là các chất bột ít protein, chủ yếu các loại khoai như khoai tây, khoai lang, khoai sọ, sắn, bột sắn, miến dong. Chất béo (dầu, mỡ, bơ) chiếm 15 – 25% năng lượng khẩu phần ăn.

Đủ vitamin và các yếu tố vi lượng, các yếu tố ngừa thiếu máu

Người bệnh suy thận có nguy cơ rất cao bị thiếu máu. Do đó việc cung cấp các chất hỗ trợ tạo máu là việc làm vô cùng cần thiết quyết định chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Các vitamin như B12, B6, acid folic và các yếu tố vi lượng như sắt là các nguyên liệu rất cần thiết cho quá trình tạo máu.

Đảm bảo cân bằng muối, nước, ít toan, đủ canxi, ít phosphate

Rối loạn các chất điện giải là một vấn đề thường gặp với người bệnh suy thận. Người bệnh sẽ có nguy cơ xuất hiện nhiều biến chứng nguy hiểm như rối loạn nhịp tim thậm chí có thể ngừng tim và tử vong. 

Do đó việc tuân thủ chặt chẽ những thực phẩm không nên ăn là vô cùng quan trọng đối với người bệnh suy thận đặc biệt là khi ăn các loại hoa quả vì trong đó chứa hàm lượng các chất điện giải lớn. 

Cần bổ sung phức hợp chống thiếu máu cho người bệnh như sắt, vitamin B12, acid folic, vitamin B6. Các loại rau nên dùng loại ít đạm, ít chua như các loại cải, dưa chuột, bầu, bí, su hào,… Không nên ăn nhiều rau dền, na, đu đủ, chuối chín, mít chín, quýt ngọt. 

Khi có phù, suy tim, tăng huyết áp người bệnh nên ăn nhạt. Không nên ăn mặn trong bất kỳ trường hợp nào. Hạn chế muối ở mức 2 – 4g mỗi ngày. Giảm các loại thức ăn giàu phosphat như gan, thận, trứng. Tăng thức ăn nhiều canxi như tôm, cá, sụn. Bổ sung nước uống vừa đủ, nếu có phù thì uống ít nước hơn.

Bị suy thận nên ăn gì?

 Suy thận nên ăn gì? Đây là nỗi lo lắng của nhiều gia đình khi xây dựng thực đơn cho bệnh nhân suy thận. Dưới đây là top 11 loại thực phẩm tốt cho thận bạn có thể tham khảo:

Súp lơ

Súp lơ là loại thực phẩm đầu tiên được nhắc đến nên có trong khẩu phần ăn của người bệnh suy thận, vì nó chứa nhiều chất xơ và dinh dưỡng như vitamin C, vitamin K và vitamin B tốt cho sức khỏe đặc biệt là những người bị bệnh suy thận, ăn súp lơ có chứa nhiều acid béo, tốt cho tiêu hóa, hạn chế các biến chứng liên quan đến tim mạch.

Súp lơ là nguồn thực phẩm tốt cho người suy thận
Súp lơ là nguồn thực phẩm tốt cho người suy thận

Việt quất

Việt quất là loại trái cây chứa nhiều chất xơ, vitamin, mangan và chất chống oxy hóa. Loại quả này chứa rất ít natri, kali, photpho nên rất phù hợp với người bệnh suy thận. Chúng ta có thể ăn trực tiếp, sấy khô hoặc uống nước ép việt quất.

Cá chẽm

Cá chẽm chứa hàm lượng cao những chất protein có giá trị sinh học cao tốt cho người bệnh thận, do đó ăn cá có thể giúp cải thiện đáng kể sức khỏe của thận. Đồng thời cá chẽm là một vị thuốc dùng trong đông y, có vai trò cung cấp lượng Omega 3 – một loại chất béo có lợi dồi dào cho sức khỏe, giàu đạm và các chất vi lượng như sắt, canxi, là những chất cần thiết cho người bị suy thận. Tuy nhiên khi chế biến bạn cần cho ít muối tránh gây tăng natri máu.

Nho đỏ

Nho đỏ cung cấp nhiều năng lượng ở dạng cơ thể dễ sử dụng, giàu vitamin và các yếu tố vi lượng như sắt, kẽm, đồng. Nho còn chứa các chất chống oxy hóa giúp làm chậm tiến triển của các biến chứng tim mạch trên người bệnh suy thận.

Ớt chuông

Ớt chuông cũng là một trong những sự lựa chọn tuyệt vời cho người bị suy thận với hàm lượng chứa trong một quả ớt chuông 74 gam chỉ chứa 3mg natri, 19mg Photpho và 156mg Kali nhưng lại mang đến nhiều chất dinh dưỡng. 

Ớt chuông chứa rất nhiều vitamin C, giúp chống oxy hóa hoạt tử ống thận mạnh mẽ. Hơn nữa, loại quả này còn cung cấp một lượng lớn vitamin A rất cần thiết cho hệ miễn dịch của những người bị bệnh thận. 

Ngoài ra ớt chuông còn chứa một lượng lớn các chất chống oxy hóa, làm giảm mỡ máu giúp hạn chế được các biến chứng tim mạch của người bệnh suy thận.

Ớt chuông hạn chế biến chứng tim mạch cho người suy thận
Ớt chuông hạn chế biến chứng tim mạch cho người suy thận

Lòng trắng trứng

Trong lòng trắng của trứng có chứa đa dạng các protein chất lượng cao là các acid amin thiết yếu dễ hấp thu, là thực phẩm tốt cho người suy thận. Ngoài ra lòng trắng trứng còn chứa ít chất béo, giúp ngăn ngừa các biến chứng tim mạch. Tuy nhiên nên tránh ăn lòng đỏ trứng, sẽ gây áp lực cho thận.

Tỏi

Tỏi là một trong loại củ rất tốt cho sức khoẻ và có rất nhiều công dụng trong đời sống.Tỏi chứa nhiều các loại vitamin nhóm B và các chất vi lượng cần thiết cho người bệnh suy thận. Đối với người bị suy thận thì tỏi có thể giúp tiêu hoá tốt, bên cạnh đó còn kích thích vị giác cho người bệnh tạo cảm giác ngon miệng khi ăn hơn.

Tỏi chứa nhiều chất vi lượng cần thiết
Tỏi chứa nhiều chất vi lượng cần thiết

Tam giác mạch 

Hạt tam giác mạch là một vị thuốc dùng trong Đông y, chứa nhiều loại acid amin thiết yếu như lysine, threonine, tryptophan rất cần thiết cho người suy thận, ngoài ra nó còn chứa nhiều vitamin và khoáng có tác dụng chống viêm và chống xơ vữa mạch tốt cho sức khỏe của người suy thận.

Dầu oliu

Dầu oliu là thực phẩm tốt cho người suy thận. Bên cạnh việc làm giảm cholesterol và những rủi ro liên quan tới việc cholesterol tăng cao do chứa nhiều chất béo không bão hòa cần thiết cho cơ thể, dầu ô liu còn có tác dụng chống viêm mạnh.  Bảo vệ cơ thể khỏi những độc tố do quá trình oxy hóa và viêm gây ra.

Cải bắp

Bắp cải cũng là một trong những loại rau mà người suy thận nên dùng vì nó chứa lượng vitamin, khoáng chất và những hợp chất chống oxy hóa rất mạnh mẽ. Hơn nữa, trong bắp cải còn giúp cho hệ thống tiêu hóa của người suy nhược cơ thể được cải thiện, nhờ có chứa rất nhiều chất xơ. Mặt khác, lượng kali, phốt pho và natri có trong bắp cải rất thấp nên sẽ không gây hại cho bị người suy thận.

Củ cải 

Chắc chắn củ cải là một trong những loại củ không thể thiếu trong chế độ ăn uống của người suy thận, bởi nó chứa rất ít kali và phốt pho, nhưng lại có rất nhiều dưỡng chất như vitamin B và nhiều loại khoáng chất, trong đó hàm lượng vitamin C rất cao những chất này cực kỳ quan trọng với người suy thận. Củ cải giàu vitamin B12 tự nhiên, giúp tăng cường hấp thu sắt, có tác dụng phòng chống thiếu máu – một biến chứng hay gặp của người bệnh suy thận.

Củ cải là thực phẩm cần thiết trong chế độ ăn của người bệnh suy thận
Củ cải là thực phẩm cần thiết trong chế độ ăn của người bệnh suy thận

Người bệnh suy thận không nên ăn gì?

Nhằm hạn chế sự tiến triển của suy thận cũng như hạn chế xuất hiện các biến chứng nguy hiểm do suy thận, người bệnh không nên ăn một số loại thực phẩm sau:

  • Hạn chế ăn thực phẩm chứa nhiều natri đặc biệt là khi người bệnh xuất hiện triệu chứng phù, có kèm suy tim, tăng huyết áp cụ thể: các loại thực phẩm kho mặn, đồ ăn chế biến sẵn bằng hình thức ướp mặn, cá biển, các loại gia vị như mù tạt, ớt bột,…
  • Hạn chế ăn thực phẩm giàu photpho như lòng đỏ trứng, hạt dẻ, nội tạng như gan thận, nấm, đậu hà lan, hạnh nhân, socola, đậu tương,…
  • Hạn chế thực phẩm chứa nhiều kali như đậu trắng, mơ khô, cải bẹ xanh, mận khô, rau bina, bơ, cá hồi, chuối chín, măng cụt, bí dâu, nước ép cà rốt,…
  • Kiểm soát lượng protein (đạm) đưa vào cơ thể. Hạn chế đưa nước vào cơ thể nếu người bệnh có phù. Tuy nhiên nếu người bệnh trong tình trạng mất nước như ra mồ hôi nhiều, nôn, tiêu chảy, sốt thì cần đảm bảo cung cấp đủ nước cho cơ thể.
  • Một số loại hoa quả nên hạn chế như chuối, cam, nho khô, bơ, măng cụt,… do các loại hoa quả này chứa lượng kali cao, người bệnh sau khi ăn có thể bị tăng kali máu – một biến chứng vô cùng nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong.
Chuối bổ sung nhiều kali cho người bệnh suy thận
Chuối bổ sung nhiều kali cho người bệnh suy thận

Người bệnh suy thận cần lưu ý gì?

Suy thận mạn tính thường rất khó phát hiện ở giai đoạn đầu do không có các biểu hiện lâm sàng rõ rệt, khi xuất hiện triệu chứng là lúc bệnh thận đã ở giai đoạn nặng. Sàng lọc, tầm soát sớm những yếu tố nguy cơ nhằm phát hiện và điều trị sớm bệnh thận mạn tính là việc làm hết sức cần thiết. 

Những đối tượng cần tầm soát bệnh thận mạn tính bao gồm:

  • Người mắc các bệnh có nguy cơ cao như đái tháo đường, tăng huyết áp, xơ vữa mạch, suy tim.
  • Người mắc các bệnh tiết niệu như bệnh thận tiết niệu tắc nghẽn như sỏi thận, sỏi niệu quản, bàng quang thần kinh, các bệnh dị dạng đường tiết niệu cần phẫu thuật.
  • Các bệnh hệ thống gây tổn thương thận như lupus ban đỏ hệ thống, viêm mạch, viêm khớp dạng thấp, đa u tủy xương, thoái hóa dạng bột.
  • Những người dùng thuốc giảm đau chống viêm, thuốc ức chế calcineurin, lithium carbonate, aminosalicylate kéo dài.
  • Những người có bố hoặc mẹ mắc bệnh thận mạn tính giai đoạn III đến V.
  • Người trên 65 tuổi.

Người bệnh suy thận thường hay kèm theo các bệnh lý mạn tính khác như đái tháo đường, tăng huyết áp, việc tập luyện thường xuyên vừa hỗ trợ điều trị các bệnh kèm theo vừa giảm sự xuất hiện các biến chứng của suy thận mạn. Người bệnh cần tập luyện nhẹ nhàng các môn thể thao như đi bộ, đạp xe, tránh các bộ môn gắng sức nặng làm tăng nguy cơ rối loạn nước điện giải như chạy nhanh, bóng đá, bóng rổ, cử tạ,…

Bệnh thận mạn tính là một bệnh lý hậu quả do nhiều nguyên nhân gây nên, tiến triển từ từ nặng dần và không thể đảo ngược lại mức độ bệnh. Người bệnh chỉ có thể khỏi bệnh khi ghép thận, tuy nhiên chi phí ghép thận còn rất cao và nguồn cho thận vô cùng khan hiếm. Do đó phần lớn người bệnh sẽ sống chung với bệnh suốt đời, và kết cục thường thấy của người bệnh sẽ phải chạy thận nhân tạo chu kỳ vô cùng mệt mỏi và tốn kém. 

Điều trị người bị bệnh suy thận mạn vô cùng phức tạp tùy từng người bị bệnh và giai đoạn bệnh cụ thể. Điều chỉnh chế độ ăn phù hợp đóng góp một phần quan trọng trong việc điều trị suy thận. Bên cạnh việc tuân thủ chế độ ăn chặt chẽ người bị bệnh cần tuân thủ chế độ dùng thuốc nghiêm ngặt để kiểm soát bệnh, hạn chế các đợt cấp, ngăn ngừa tình trạng bệnh nặng. Từ đó giảm thiểu nguy cơ có các biến chứng nguy hiểm dẫn đến tử vong. 

Hy vọng sau khi đọc xong bài viết này, người bệnh không còn nỗi lo suy thận nên ăn gì nữa. Chú ý xây dựng một chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý, khoa học sẽ giúp giảm bớt nguy cơ chạy thận nhân tạo và kéo dài tuổi thọ hơn.